ĐOÀN KIỂM TRA, GIÁM SÁT CỦA THÀNH VIÊN BAN ĐẠI DIỆN HỘI ĐỒNG QUẢN TRỊ NGÂN HÀNG CHÍNH SÁCH XÃ HỘI TỈNH QUẢNG NAM LÀM VIỆC TẠI HUYỆN PHƯỚC SƠN
Sáng ngày 20/5/2025, Đoàn kiểm tra, giám sát của thành viên Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh Quảng Nam do đồng chí Đặng Tấn Giản – Phó Giám đốc Sở Dân tộc và Tôn giáo làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc với Ban đại diện HĐQT NHCSXH huyện Phước Sơn nhằm đánh giá kết quả triển khai tín dụng chính sách xã hội trong năm 2024 và 5 tháng đầu năm 2025.
Dự và làm việc với Đoàn có đồng chí Đỗ Hoài Xoan – Phó Chủ tịch UBND huyện, Trưởng Ban đại diện HĐQT NHCSXH huyện Phước Sơn cùng các thành viên Ban đại diện HĐQT NHCSXH huyện.
Toàn cảnh buổi làm việcTại buổi làm việc, Ban đại diện HĐQT huyện đã báo cáo toàn diện về công tác chỉ đạo, điều hành các chương trình tín dụng ưu đãi. Tính đến ngày 15/5/2025, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách đạt hơn 316.414 triệu đồng, có 4.646 hộ vay, tăng 60.241 triệu (Năm 2024 tăng 43.917 triệu và 5 tháng đầu năm 2025 tăng 16.323 triệu) so với 31/12/2023). Tỷ lệ thu lãi đạt trên 99,8% và 100% tổ TK&VV được xếp loại tốt, cho thấy chất lượng tín dụng tiếp tục được giữ vững và nâng cao.
Từ năm 2024 đến nay, tín dụng chính sách xã hội đã góp phần hỗ trợ hơn 2.148 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác đầu tư vào sản xuất kinh doanh, trồng rừng, chăn nuôi, xây dựng nhà ở, tạo việc làm và cải thiện sinh kế. Qua đó, đã giúp giải quyết việc làm cho 683 lao động, 4 trường hợp đi xuất khẩu lao động, hỗ trợ xây dựng nhà ở xã hội, 50 công trình nước sạch và nhiều mô hình kinh tế hiệu quả như trồng keo, quế, nuôi bò, heo sinh sản... Đặc biệt, tỷ lệ hộ nghèo của huyện đã giảm từ 27,64% (cuối năm 2023) xuống còn 20,47% cuối năm 2024, được chi nhánh NHCSXH tỉnh xếp loại huyện miền núi dẫn đầu năm 2024.
Bên cạnh kết quả tích cực, báo cáo cũng nêu rõ một số tồn tại như: còn hộ vay bỏ đi khỏi địa phương, một số tổ TK&VV chưa thành thạo ứng dụng công nghệ, mô hình vay hiệu quả chưa được nhân rộng và năng lực giám sát ở một số hội đoàn thể cấp xã còn hạn chế.
Trong 7 tháng cuối năm 2025, Ban đại diện huyện đề ra các nhiệm vụ trọng tâm gồm: hoàn thành 100% kế hoạch vốn được giao, nâng cao chất lượng tín dụng, đẩy mạnh chuyển đổi số, tăng cường huy động vốn tiết kiệm từ hộ vay và đề xuất tỉnh bổ sung vốn cho các chương trình xóa nhà tạm, tạo việc làm và phát triển sản phẩm OCOP.
Đồng chí Đặng Tấn Giản - Trưởng đoàn kiểm tra, phát biểu kết luận buổi làm việcPhát biểu kết luận buổi làm việc, đồng chí Đặng Tấn Giản đánh giá cao sự vào cuộc tích cực, chủ động của Ban đại diện HĐQT NHCSXH huyện Phước Sơn trong việc triển khai hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách xã hội thời gian qua. Đồng chí khẳng định, tín dụng chính sách đã thực sự trở thành công cụ quan trọng giúp cải thiện sinh kế, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và giảm nghèo bền vững tại địa phương, đặc biệt là đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Đồng chí thống nhất với các phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm mà Ban đại diện HĐQT huyện đã đề ra cho 7 tháng cuối năm 2025, đồng thời đề nghị huyện tiếp tục nâng cao vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp trong hoạt động tín dụng chính sách; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát tại cơ sở; tiếp tục thực hiện tốt công tác truyền thông và chuyển đổi số; đẩy mạnh phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác nhằm nâng cao chất lượng tín dụng, đảm bảo nguồn vốn đến đúng đối tượng, phát huy hiệu quả thiết thực, bền vững.
Alăng Thị Phố, chuyên viên Văn phòng Sở